Để các chính sách của bảo hiểm thất nghiệp đáp ứng sự phát triển của thị trường lao động

27/05/2020 2:19:00 CH
share facebooksend emailprint

NDĐT- Sau gần 12 năm triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải khắc phục, bổ sung cho phù hợp. Từ đó, từng bước đưa các chính sách của bảo hiểm thất nghiệp phát huy hiệu quả, đáp ứng sự phát triển của thị trường lao động.

Để các chính sách của bảo hiểm thất nghiệp đáp ứng sự phát triển của thị trường lao động

Thứ Ba, 26/05/2020, 09:53:58

NDĐT- Sau gần 12 năm triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải khắc phục, bổ sung cho phù hợp. Từ đó, từng bước đưa các chính sách của bảo hiểm thất nghiệp phát huy hiệu quả, đáp ứng sự phát triển của thị trường lao động.

Người lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh.

Dưới góc độ kinh tế - xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một biện pháp hỗ trợ thiết thực về mặt tài chính cho người lao động (NLĐ) trong lúc mất việc làm, nhằm giúp họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đồng thời, các cơ chế từ chính sách này còn hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, góp phần ổn định tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ bị mất việc làm có cơ hội tìm kiếm, thích ứng với công việc mới.

Có thể nói, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, NLĐ tích cực hưởng ứng, tham gia và đánh giá cao. Bên cạnh những mặt tích cực, kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế.

Cụ thể như, chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy còn nhiều điểm bất cập.

Hoạt động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh Phạm Ngọc Khánh chia sẻ, số lao động mất việc làm trên địa bàn từ đầu năm 2020 đến nay có chiều hướng tăng, nhất là sau thời gian ảnh hưởng do dịch Covid-19. Khối lượng hồ sơ xin hỗ trợ tăng, cán bộ của Trung tâm phải làm việc với khối lượng gấp hai lần. Vì vậy, Trung tâm mong muốn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu xây dựng sổ BHTN điện tử, để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ, giảm áp lực cho cán bộ làm chính sách bảo hiểm thất nghiệp như hiện nay.

Trong quý I năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh đã tiếp nhận 1.700 hồ sơ xin hưởng chế độ BHTN. Đặc biệt, trong hai tháng 4 và 5, số lượng lao động mất việc làm tăng đột biến lên đến 1.400 người.

Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến một số doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, ngừng sản xuất, kéo theo hệ lụy NLĐ không có việc làm, không có thu nhập, cuộc sống gặp khó khăn.

Hiện nay, các trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước với hoạt động chính là đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin về thị trường lao động, nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động; khai thác vị trí việc làm trống để tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ và cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường, qua đó giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Tại hội thảo “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” doc Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức mới đây tại Quảng Ninh, các mục tiêu về độ bao phủ, về thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, mức độ hài lòng của NLĐ đã được đặt ra và đưa ra các giải pháp cũng như giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp thuận lợi, hiệu quả từ khâu thu, tiếp nhận, giải quyết đến khâu chi trả bảo hiểm thất nghiệp, khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện hành.

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhấn mạnh, từ đầu năm 2020 đến nay, đã có gần 4.000 tỷ đồng được chi trả thông qua hệ thống BHTN. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng một thị trường lao động đồng bộ và hiện đại. Theo đó, chính sách dành cho BHTN phải có sự cạnh tranh, đổi mới cho phù hợp yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay BHTN mới chỉ tập trung vào chi trả, hỗ trợ thất nghiệp cho NLĐ chứ chưa chú trọng đến việc hỗ trợ đào tạo để NLĐ quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, Quỹ BHTN phải là một công cụ của nhà nước để quản trị và hỗ trợ giảm thiểu rủi ro của thị trường lao động.

Ông Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn, cho rằng, hiện nay việc hỗ trợ, chi trả cho NLĐ thất nghiệp của cơ quan thực hiện chính sách BHTN vẫn còn bị động, bởi chỉ khi nào doanh nghiệp thông báo phá sản, ngừng sản xuất, giải thể, các cơ quan căn cứ vào đó để chi trả. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ đào tạo cho NLĐ còn rất hạn chế, chưa thực sự hiệu quả, chưa giúp được NLĐ quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ do mất việc.

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính liên kết cũng như hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm còn yếu và chưa phù hợp với chức năng là định chế trung gian tài chính trên thị trường lao động, còn nặng về khâu giải quyết trợ cấp thất nghiệp mà chưa có nhiều hoạt động chủ động, tích cực của chính sách thị trường lao động. Nhất là về biên chế, định biên, ký hợp đồng lao động do chưa có tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp; nhân sự còn được giao theo định suất lao động và nhân sự hợp đồng nên chưa được hưởng các chế độ đãi ngộ như viên chức dẫn đến sự tận tâm và gắn bó với công việc còn là thách thức.

Ông Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, hiện nay, số cán bộ của Trung tâm diện biên chế rất ít, chủ yếu là hợp đồng. Trong khi, số lao động thất nghiệp ngày càng tăng. Điều đã đặt ra bài toán các lao động hợp đồng không được hưởng các chế độ như viên chức sẽ khó tận tâm với công việc, dẫn đến không yên tâm làm việc, hiệu quả giải quyết công việc sẽ hạn chế.

Cùng quan điểm, bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên, cho hay, hiện nay, số lượng lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cao, trung bình 8.000 lao động/năm; Theo đó, khối lượng công việc tăng trong khi số cán bộ của Trung tâm vẫn giữ nguyên. Cộng với chế độ, chính sách giữa lao động hợp đồng và biên chế có sự chênh lệch, đã dẫn đến tâm lý khó gắn bó với công việc của một số lao động hợp đồng.

Bà Thùy cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm nghiên cứu xây dựng phần mềm kết nối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, để tạo điều kiện giải quyết thuận tiện, nhanh chóng việc chi trả, hỗ trợ cho lao động thất nghiệp.

Như vậy, sau gần 12 năm triển khai chính sách BHTN bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Song, trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ những hạn chế cần khắc phục, để tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN, xây dựng hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm đồng bộ, hiện đại, phục vụ công tác BHTN và lợi ích của NLĐ.


Tin nổi bật


go top