Sáng ngày 20/3/2020, tại Trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với báo giới về gói đề xuất 6 điểm gửi Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đối phó với ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19.
Bộ trưởng cho biết dự kiến từ 25.000 - 50.000 tỷ đồng sẽ phát sinh do tạm dừng đóng, miễn lãi chậm đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho khoảng 1,5 - 3 triệu lao động, tương ứng với từ 105.000 đến 211.000 doanh nghiệp...
Về chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TBXH đã đồng ý với việc tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho 2 nhóm doanh nghiệp: Doanh nghiệp có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm; doanh nghiệp bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch Covid-19.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiểm tra tình hình phòng dịch Covid-19 tại Thái Nguyên
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong tình hình hiện nay, Bộ LĐ-TBXH sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu việc mở rộng đối tượng bị ảnh hưởng của Covid-19 để nhận được hỗ trợ.
“Cụ thể, việc hỗ trợ không chỉ căn cứ vào phần trăm số lao động bị ảnh hưởng mà những tất cả người bị ảnh hưởng, những người bị ngừng việc đều được tạm dừng việc đóng một phần bảo hiểm xã hội. Đồng thời không khống chế tỷ lệ thiệt hại trên 50% đối với doanh nghiệp mới được nhận hỗ trợ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Về điều kiện, Bộ LĐ-TBXH cũng sẽ đề xuất việc hỗ trợ sẽ áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp chứ không phải chỉ có doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ 50%. Thời hạn áp dụng tạm dừng từ tháng 3 đến hết tháng 12 năm 2020.
Với đề xuất như trên, Bộ LĐ-TBXH ước tính sẽ có khoảng 1,5 - 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách, 150.000 - 200.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách. Số kinh phí từ nguồn quỹ hưu trí tử tuất này xét từ 25.000 - 49.000 tỷ đồng lấy từ kết dư của Quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất.
“Cũng xin nói thêm, nguồn hỗ trợ hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi nguồn kết dư từ quỹ hưu trí, tử tuất hiện khoảng 800.000 tỷ đồng, một năm chúng ta mới chỉ ứng ra khoảng 50.000 tỷ đồng…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Về chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐ-TBXH đề xuất 100% doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020.
Sau đó doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng.
Trong trường miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp, đề xuất của Bộ LĐ-TBXH hướng tới các doanh nghiệp và lao động ngừng việc, không tham gia sản xuất.
Theo đó, doanh nghiệp và người lao động không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020. Đồng thời, khoảng thời gian miễn đóng trên được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động.
Với nhóm chính sách tín dụng đối với lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, Bộ LĐ-TBXH đề xuất hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với người lao động, ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, lao động không có quan hệ lao động ở khu vực nông thôn, lao động phi chính thức ở khu vực thành thị…Dự kiến, thời hạn vay tối đa là 12 tháng với lãi suất vay là 3,96%/năm bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc hỗ trợ này sẽ hướng tới khoảng 350.000 lao động với mức vay bình quân 30 triệu đồng/lao động và 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mức vay bình quân 500 triệu đồng/cơ sở.
Với nhóm chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhằm giúp doanh nghiệp khó khăn do Covid-19, Bộ LĐ-TBXH hướng tới việc hỗ trợ doanh nghiệp được vay tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngưng việc tạm thời. Qua đó giữ chân người lao động và tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định, phục hồi lại sản xuất và kinh doanh. Khi đó người lao động tiếp tục trở lại lao động bình thường.
“Trong điều kiện doanh nghiệp khó khăn thì Nhà nước sẽ cho vay tiền để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp người lao động thôi việc và mất việc. Với sự hỗ trợ này, Nhà nước không tính lãi. Khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại khoản vay…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.